Đặc San HQ 21

Đặc San HQ 21
Nha Trang Ngày Về Kỳ 9

Friday, March 4, 2016

Nguyễn Anh Kỳ

Nguyn Anh K


               ”Chiều 18.4.1975 khoảng 17giờ15 tại vùng Cà Ná, Mũi Dinh, Phan Rang, Dương Vận Hạm HQ 503 đang thả trôi cách bờ khoảng 3-4 hải lý để sửa chữa hệ thống nước ngọt, thình lình 1 quả trọng pháo của cộng quân từ bờ bắn ra nổ ầm gần sát chiến hạm. Nhiệm sở tác chiến được ban hành. Sĩ quan và tất cả đoàn viên lập tức chạy đến nhiệm sở tác chiến. Cộng quân tiếp tục nã đạn. Quả đạn kế tiếp thuộc loại 105ly rơi trúng ngay phòng ngủ sĩ quan(phía hữu hạm) nổ tung. Mãnh vỡ từ quả đạn xuyên qua trần phòng ngủ bay lên phòng truyền tin phía trên, nơi Hải quân Trung Uý Nguyễn Anh Kỳ đang làm việc.  Mãnh đạn oan nghiệt xuyên cổ, cắt đứt mạch máu chánh gây cho Kỳ tử thương.”
       Hồi tháng Bảy năm 2013, qua điện thư như trên trao đổi với anh Nguyễn văn Phảy, khóa 24 Đệ Nhị Song Ngư, định cư tại Đức, tác giả bài viết « Trận chiến tại vùng Cà Ná, mũi Dinh» tôi biết thêm nhiều chi tiết liên quan đến sự ra đi vĩnh viễn của Nguyễn anh Kỳ, người bạn cùng khóa 21 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Tôi nghĩ chuyện về Kỳ giống như quyển sách đọc xong, gấp lại để vào một nơi nào đó chờ bị lãng quên.
    Ngày 18.05.2014, trong một tình cờ kỳ diệu, tôi biết được Kỳ có hai người em gái  đang định cư tại Na Uy từ năm 1981. Tôi biết thêm các cô lâu nay mong ước tìm lại những mảnh đời đã qua của người anh trong thời quân ngũ.  Ước muốn nầy tạo cho tôi một sự xúc động mạnh. Có người đặt câu hỏi: Tại sao các em gái của Kỳ không đến quốc gia nào khác mà lại là Na Uy?  Câu hỏi thật khó!. Tôi không biết phải trả lời sao, chỉ cố gắng moi trí nhớ, tìm về khoảng đời  tôi và Kỳ cùng ở  đơn vị.
   Vào một ngày khoảng tháng tám, tháng chín năm 1971, sau thời gian thực tập Đệ Thất Hạm Đội trở về, tôi và Kỳ không hẹn mà  gặp tại quán nước nằm xéo cổng BTL/ HQ/ V3ZH  Cát Lở phía bên kia đường. Uống nước qua loa, hai đứa chúng tôi mạnh dạn bước vào cổng BTL với quân phục thẳng nếp của những thằng sĩ quan mới ra trường. Khác hẳn với lần vào cổng Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang tháng Ba năm 1970 cả khóa đàn anh «dàn chào» cẩn thận, lần nầy chỉ một đàn anh khóa 20 làm việc tại Phòng Nhân viên:
 «Có thể các anh sẽ tăng phái cho Đài kiểm Báo 302, ở Núi lớn Vũng Tàu. Lo tìm chỗ ngủ, sáng mai, mặc Tiểu Lễ trình diện Tham Mưu Trưởng».
   Căn Cứ Hải Quân Núi Lớn nằm ở vị trí thật hấp dẫn. Đứng nơi nầy có thể nhìn bao quát Vũng Tàu với nhiều thương thuyền đang neo, chếch bên trái là Bãi Trước nhộn nhịp. Căn cứ bao gồm các đơn vị: Trung tâm kiểm soát duyên hải, Trung tâm truyền tin thuộc BTL, Phòng Thủ Hải Cảng, Đài Kiểm Báo 302 và doanh trại cố vấn Mỹ. ĐKB 302 ở chót đỉnh núi với đường lái xe thật hẹp, dốc nguy hiểm. Tôi và Kỳ luân phiên trực «quart» ngày đêm. Thời gian đầu có xe đưa rước. Lúc sau, tự túc vì tiết kiệm nhiên liệu. Quá giang các xe bồn chứa nước(cung cấp thường xuyên cho Đài VIBA nằm kề bên) hoặc có xe gắn máy thì đở khổ, cuốc bộ đi đường tắt vừa mất thời giờ vừa mỏi chân, đổ mồ hôi hột.
    Làm việc một thời gian, tôi nhận thấy Kỳ rất dễ mến. Anh hòa đồng với tất cả mọi người, thích có bạn.  Anh có thể ngồi hàng giờ bên máy vô tuyến liên lạc với chiến hạm, chiến đỉnh. Anh có giọng nói êm ái, dễ gây thiện cảm.Từ đó anh quen nhiều người, biết được nhiều loại tin tức. Đời sống trên Núi Lớn thật êm đềm. Chiều chiều, nếu không phải phiên trực và còn... tiền lương, có thể hạ sơn tìm về những ánh đèn muôn màu nơi phố thị; hết tiền, vào Câu Lạc Bộ Mỹ xem phim cũng đỡ buồn! Thời vàng son không kéo dài bao lâu! Lệnh từ BTL/HQ/ V3: Một trong hai đứa phải đi Đài kiểm Báo 303 vừa được thành lập trên núi Tà Ku, Hàm Tân. Kỳ tự nguyện ra đi: « Tao độc thân đi đâu cũng được, mầy sắp đưa vợ con ra đây, nên ở lại» Tôi lặng thinh, không biết nói lời gì đúng nghĩa trước sự cao thượng của bạn.
    Tôi nghĩ thời gian ở Tà Kú là thời buồn chán nhất của Kỳ. Đường lên núi vừa hiểm trở vừa thiếu an ninh. Mỗi lần lên xuống phải báo cho Đại Đội lính Địa Phương Quân trấn đóng ở chân núi  kiểm soát và bảo vệ trục lộ. Khó khăn như thế, nên chỉ xuống núi khi thật cần thiết. Ngày tháng nơi đây chỉ quanh quẩn trong doanh trại, làm bầu bạn với...khỉ! Để giết thời gian, lính tráng xách súng đi lùng...khỉ. Một ngày nọ, qua máy vô tuyến tôi nghe báo cáo: «Thiếu Úy Kỳ bị thương».  Một ông lính nghịch ngợm nào đó có lẽ nhắm bắn khỉ không trúng, ông quay nòng súng đến cọc sắt hàng rào làm vài phát. Kỳ vô tình đứng gần đâu đó. Mảnh từ viên đạn, hoặc mảnh kim loại từ cọc sắt bay xước qua da thịt vùng gần cổ, gây máu ra khá nhiều. Kỳ được băng bó ngay sau đó, vết thương nhẹ nhưng khá nguy hiểm.
   Ngày buồn rồi cũng qua! Tôi và Kỳ cùng được thuyên chuyển chính thức về Trung Tâm Kiểm Soát Duyên Hải Vũng Tàu. Tôi vẫn ở tại chỗ, Kỳ từ vùng núi đồi Tà Kú quay về. Thời gian nầy gần ngày ký kết Hiệp Định Paris, các cố vấn Mỹ giảm dần. Những «ca» trực không còn cố vấn Mỹ như lúc trước, làm việc thoải mái. Môi trường làm việc tại TTKS/ZH rất thích hợp với khả năng và sở thích của Kỳ, tầm hoạt động của TTKS/ZH rất rộng lớn. Ngoài việc liên lạc các đơn vị trực thuộc như các Duyên Đoàn, Đài Kiểm Báo, chiến hạm, chiến đỉnh lại còn báo cáo trực tiếp đến Trung Tâm Hành Quân Lưu Động Biển, Trung Tâm Hành Quân Hải Quân...và nhất là Tư Lệnh/Tư lệnh Phó Vùng và các giới chức cao cấp khác. Nơi đây, đôi khi có nhiều việc quan trọng đến cùng một lúc, điện thoại reo liên tục, người sĩ quan trực phải linh động tuần tự giải quyết mọi vấn đề. Kỳ là người có khả năng và yêu thích công việc. Sau một thời gian ngắn, anh quen biết nhiều người qua hệ thống liên lạc vô tuyến, qua điện thoại. Tuy vậy, cũng có những lúc chẳng có việc gì để làm, Kỳ chán, mong có một người đẹp nào đó để trò chuyện đở buồn. Tôi bảo với Kỳ: Mầy đọc chuyện ma Bồ Tùng Linh nhiều quá!»
   Một ngày nọ, Kỳ lái chiếc xe gắn máy Suzuki đến nhà tìm tôi và rủ tôi xuống phố, Kỳ cho biết: «Tao quen một em qua...điện thoại! Lúc trực, chẳng có việc gì làm, chán quá tao bốc điện thoại quay số, theo lối xin xăm. Nếu nghe tiếng đàn ông  mình xin lỗi, lộn số; tiếng đàn bà, mình hỏi thăm vài câu nếu được thì...nói tiếp!  Quen một em hơn tháng nay, cứ mỗi lần rảnh tao gọi em. Tao hẹn em tại quán gần Ngã Tư Giếng Nước, có mầy dễ xoay sở!» Tôi đùa: «Gặp em xấu, mầy không bắt tao giả khùng để mầy có cớ chở đi bệnh viện»? K cười, xém lạc tay lái. Gặp được em, tôi tìm cách «lĩnh» để hai người được tự nhiên.
    Sáng hôm sau, Kỳ báo cáo: « Em nói chuyện rất có duyên, nhưng em xấu quá, mầy ơi!.» Sau đó không còn nghe Kỳ nói gì về em nữa. Thời gian nầy, HQ/ Đại Úy Nguyễn Thanh Trí, Khóa 17, làm CHT/ Đài kiểm báo 302(ông là hạm phó HQ 10, hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa). Ông có biệt hiệu «Trí Voi» vì to con và ham thích thể thao. Ông phát động phong trào thể thao như chơi bóng chuyền, bóng bàn là hai môn ông chơi rất giỏi. Kỳ và tôi cùng tham gia. Ngoài ra, Kỳ còn theo học Vovinam dưới phố. Sau một thời gian vất vã, Kỳ bỏ cuộc vì trái  giờ làm việc và ... mỗi lần dượt té sàn nhà gạch bông ...đau quá! Kỳ cũng không quên việc học hành còn dở dang, anh mang nhiều sách Luật dầy cộm  ôn lại khi có giờ rảnh rỗi.Tôi thấy anh rất chịu khó học.
      Một hôm, Kỳ rủ tôi xuống phố. Anh có vẻ trầm tư hơn mọi khi. Trên đường xuống, anh thố lộ có quen được một em rất vừa ý nhưng lại cũng có nhiều điều khó nghĩ. Anh chở tôi đến gia đình cô nàng để tôi tiếp xúc và nhận xét. Tôi nghĩ chuyện nầy quá lớn so với khả năng, nhưng cố gắng làm vừa lòng bạn. Xe dừng lại trước ngôi nhà thuộc ngoại ô Vũng Tàu, nhà cửa thưa thớt. Bước vào nhà, nhận xét đầu tiên của tôi là nhà lá theo lối nông thôn vừa chỗ ở, vừa chỗ làm thức ăn gia súc. Nhà khá bừa bộn vì không thể làm khác hơn. Phía trên tủ giữa nhà, tôi nhìn thấy có ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ. Chúng tôi được đón tiếp khá thân mật như đã quen nhau từ lâu. Có thể Kỳ đã đến đây nhiều lần. Cô nàng tên H.B(nếu tôi không lầm) đẹp tự nhiên, có dáng nữ sinh, đúng mẫu người của Kỳ. Cô là con gái trưởng trong gia đình gồm nhiều em, là cánh tay đắc lực phụ giúp người mẹ lo kinh tế gia đình. Cha cô B. trông lớn tuổi hơn mẹ cô khá nhiều. Qua những lời đối đáp xã giao, tôi nhận xét ông là người có vẻ bất mãn thời cuộc, ông không thích làm chuyện nhỏ, chỉ lo chuyện lớn!
    Trên đường về Kfy kể thêm: « Mấy lúc sau nầy tao hay lái xe xuống phố ăn tiệm. Dư thời giờ chẳng biết làm gì nên  «đảo» quanh mấy chỗ có em đỡ buồn, giờ các em tan học là dễ nhất. Tao để ý một em, cứ tan trường là đạp xe một mạch về. Tao lái xe tàng tàng bám theo và biết được nhà. Cứ như vậy nhiều lần mà chẳng đi tới đâu, dễ gì em dám dừng xe nói chuyện với tao mặc dù tao thấy  có tín hiệu tốt!. Một lần nọ, sau một hồi chần chờ, tao liều mạng lái xe thẳng vào sân nhà. Tao giả bộ hỏi thăm người quen, sau đó thuận tiện thú thật là tao thật tình muốn làm quen với cô B. Tao được ông cụ niềm nở...cho phép! Tao không ngờ dễ như vậy. Mầy có thể tưởng tượng lúc tao vào nhà đột ngột, cô nàng đang mặc quần đùi, ngồi xắt chuối(*) làm thức ăn cho heo.» Tôi đùa : « Như vậy là mầy đã được cảm tình của em rồi đó! Nếu không, em cho mầy một nhát dao chuối  thì bỏ mạng! Mày liều mạng thật! Không phân biệt giàu nghèo là tốt, nhưng coi chừng có thể gặp khó khăn về tôn giáo, vì tao là người Công Giáo, tao hiểu rất rõ.»
    Đúng như những gì tôi đoán. Kỳ than thở: « Vấn đề tôn giáo quả thực là hóc búa. Đối với tao, sao cũng được; nhưng với gia đình, tao khó thuyết phục mẹ tao để theo Đạo Công Giáo như đòi hỏi của gia đình B.» Không ngờ, ít lâu sau mọi khó khăn được giải quyết sau chuyến đi Vũng Tàu của người anh của Kỳ. Kỳ hân hoan báo tin sẽ làm đám hỏi với cô B trong thời gian  gần. Tôi hết sức vui mừng cho hạnh phúc của bạn. Mọi chuyện khó khăn đã được giải quyết và thỉnh thoảng Kỳ chở tôi đến nhà vợ tương lai thăm viếng.  Thú thật tôi không biết Kỳ yêu cô B vì đẹp, tính dễ mến hay vì cô sống trong hoàn cảnh nghèo giống như công chúa lọ lem chờ đợi kết duyên với hoàng tử! Mẹ cô B rất tảo tần, ngày ngày chiên đậu hủ đem ra chợ bán, xác đậu  làm thức ăn cho heo. Gia đình nghèo, đông miệng ăn, cộng với một đứa em tật nguyền, không biết nói.
     Ngày lại ngày qua, chuyện tưởng hoàn hảo lại xãy ra trái ngược! Kỳ như người mất hồn, buồn bả báo tin: « Mầy có thể tưởng tượng được không? Cả gia đình tao từ Sài Gòn ra Vũng Tàu bằng  xe hơi. Dĩ nhiên Đám Hỏi phải đến đúng giờ. Xe đến, đậu bên lề đường, trong nhà không thấy động tịnh gì hết!  Chạy vào nhà, tao thấy ông già còn mặc đồ ngủ! Tao không biết ăn nói làm sao với gia đình». Đây là lần đầu tôi thấy Kỳ giận giữ, mặt đỏ bừng, hai mắt long lanh như khóc. Tôi tìm lời an ủi và khuyên Kỳ hãy bình tỉnh, nguôi giận, cố gằng tìm hiểu nguyên nhân đưa đến thảm trạng đó.
  Chiều hôm sau, Kỳ chở tôi đến nhà cô B. Lúc ấy cô đi vắng, ba cô B tiếp chúng tôi rất nhả nhặn và lịch sự.  Ông xin lỗi về những việc đã xãy ra ngoài ý muốn. Thái độ lưỡng lự của B thời gian sau nầy làm ông lúng túng và khó xử. Theo ông, tình cảm giữa Kỳ và B không có gì thay đỗi. Ông đề nghị Kỳ cho phép B có thêm thời gian  vì hôn nhân rất hệ trọng cho tương lai hai đứa. Tôi thấy Kỳ im lặng không ủng hộ, cũng chẳng phản đối, dường như những lời nầy Kỳ đã nghe qua. Thấy không còn gì trao đổi thêm, Kỳ và tôi kiếu từ ra về. Kỳ tiếp tục im lặng lái xe, gần đến nhà chợt lên tiếng : « Sự thật không đúng như mầy đã nghe! Gia đình B. có người bà con từ Sài Gòn ra chơi. Họ thấy B đẹp, lập gia đình lúc còn quá trẻ, nên lấy làm tiếc cho...số phận. Nếu như em đổi ý, với sự quen biết, họ có thể dìu dắt em theo nghề ca sĩ! Tao không ngờ đề nghị mơ hồ đó lại « bùi tai» ba má em B và em cũng xiêu lòng. Trong chuyện nầy, tao không biết ai là người chủ động». Tôi chẳng biết nói gì hơn. Hy vọng một ngày nào đó B. nhìn ra thực tế.
      Thời gian sau, Kỳ cho biết anh định tìm một nơi xa để tâm hồn được thanh thản. Anh muốn được thuyên chuyển đến V4ZH/ Phú Quốc. Anh sẽ giã từ Vũng Tàu nơi mang đến cho anh nhiều kỷ niệm vui buồn. Nơi hải đảo xa xôi Phú Quốc, anh cũng  ít cơ hội về thăm gia đình và như thế anh đỡ bị mặc cảm . Định mệnh không đưa anh đi Phú Quốc, nhưng đưa anh xuống chiến hạm HQ 503 và trận chiến tại Cà Ná, mũi Dinh những ngày cuối tháng Tư năm 1975 đã đưa anh đi xa vĩnh viễn. 
    Sài gòn lúc nầy đang trong cơn hấp hối. Còn đớn đau nào to hơn cho người mẹ đi nhận xác con trong hoàn cảnh đen tối nhất của đất nước! Đám tang được tổ chức vội vả, đại diện Hải quân và gia đình tiễn đưa anh lần cuối đến nghĩa trang trong u buồn, lặng lẽ dưới cơn mưa. Xác thân anh được gởi lại nơi nghĩa trang Gò Vấp. Hình ảnh đầy kỷ niệm từ thưở bước vào quân trường thời thực tập Đệ Thất Hạm Đội, thời phục vụ tại Vũng Tàu đã được gởi theo dòng nước. Tất cả được thuỷ táng như giấc mộng hải hồ của anh.

    Anh ra đi để khỏi phải chứng kiến cảnh tang thương của đất nước sau 30 tháng tư năm 1975. Kể từ ngày đen tối đó, bạn bè tứ tán mỗi đứa một phương, kẻ theo chiến hạm di tản, người kẹt lại sống kiếp đọa đày. Tháng Bảy năm 1999, những cánh chim hải âu lạc bầy từ khắp bốn phương lại có dịp hợp đàn tại Houston, Texas  kỷ niệm 30 ra khơi. Trong không khí trầm lắng tưởng niệm những Đệ Nhị Nhân Mã vĩnh viễn ra khơi, tên của anh đã được đọc lên một cách trang trọng để bạn bè tưởng nhớ. Từ đó đến nay, mỗi lần Đại Hội dù ở phương trời nào, tên anh vẫn được nhớ đến, bạn bè mãi mãi sẽ không bao giờ quên./.
Na Uy Mùa thu 2015.


(*) Xắt chuối:  Thái mỏng thân cây chuối đã đốn quày, sau đó quết bằng cối hay băm nhuyển trộn chung với cám dùng làm thức ăn cho heo. Dao xắt chuối là loại dao có lưỡi mỏng cán dài, khá nặng.

No comments:

Post a Comment